Nâng cao đời sống người lao động tại các khu công nghiệp

Nền sản xuất công nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự hình thành và mở rộng của các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đời sống tinh thần của công nhân, người lao động tại các khu vực này.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5-2023, trên cả nước có 398 KCN với khoảng 7 triệu lao động. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, nỗ lực bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, đặc biệt là những người làm việc tại các KCN, KCX. Nhiều chủ chương, chính sách được ban hành, và thực thi có hiệu quả như: Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, xác định “chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu tập trung bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của người lao động và gia đình…

Đảng và Nhà nước ta chủ trương giải quyết các nhu cầu thiết yếu về vật chất như ăn, ở, tạo thuận lợi cho người lao động được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, vay tín dụng với lãi suất thấp… để tạo nền tảng cơ bản, vững chắc để người lao động hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Người lao động được tạo điều kiện cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng như xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở với tổng nguồn vốn là 15.000 tỷ đồng, lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng, tính đến năm 2022, cả nước đã hoàn thành 122 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 sàn, tuy nhiên mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu; chỉ tính năm 2022, đã khởi công 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN với khoảng 33.194 căn trên tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m².

Là tiếng nói, đại diện cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn lao động các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Công đoàn tại các KCN, KCX đã thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; kịp thời động viên tinh thần công nhân lao động, nhất là đối với các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Nhiều chương trình chung tay, góp sức đã được tổ chức có hiệu quả tại các KCN. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng các chế độ hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng đã phần nào động viên về tinh thần và vật chất cho công nhân lao động.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thường xuyên được tổ chức, là “món ăn tinh thần” cho công nhân lao động tại các KCN, KCX. Nhiều chủ đề sinh hoạt được tổ chức, vừa là sân chơi bổ ích, nâng cao kiến thức, vừa là dịp “làm mới” lại tinh thần của người lao động tại các KCN, KCX như: “Ứng xử văn hóa – Chìa khóa vạn năng”; “Sống thử – Hậu quả thật”, “Khỏe để góp phần nâng cao năng suất lao động”…

Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao người lao động cũng được quan tâm đầu tư, xây dựng tại các KCN. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 8-2022 cả nước có 51 thiết chế văn hóa, thể thao tại công đoàn các cấp (30 cung văn hóa, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh; 4 trung tâm văn hóa tại KCN; 17 nhà văn hóa cấp quận, huyện, khu công nghệ cao), về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhu cầu đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Mỗi địa phương đều có chủ trương, chính sách và cách làm riêng. Điển hình, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai sáu điểm sinh hoạt văn hóa công nhân theo mô hình điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị, doanh nghiệp tại KCN, KCX, cụm công nghiệp tập trung và tại khu dân cư. Mỗi điểm xây dựng mới sẽ được hỗ trợ 90 triệu đồng… Hay tỉnh Đồng Nai đã phát động Tháng Công nhân hằng năm, riêng năm 2023, toàn tỉnh có 1.454 Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tặng quà, thu hút trên trên 293 ngàn đoàn viên, người lao động tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, công nhân lao động…

Vẫn còn những thách thức

Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, thời gian qua, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN, KCX đã phần nào được bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại trong công tác bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động như:

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, thể thao, nhất là ở các KCN, KCX dẫn đến tình trạng công nhân lao động không có, thiếu điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, hội họp. Nếu có thì cơ sở vật chất của các trung tâm, điểm sinh hoạt văn hóa tại các KCN, KCX vẫn còn thiếu thốn, sơ sài, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ có 9/17 KCN, KCX có trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho công nhân, chiếm chưa đến 60%.

Một bộ phận công nhân lao động chưa chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến cho đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận công nhân Việt Nam còn nghèo nàn. Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đến 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng.

Mặt khác, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu; phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh không đảm bảo đầy đủ điều kiện sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống văn hóa.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp tại các KCN, KCX chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của việc bảo đảm, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động; chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện chưa đạt yêu cầu. Một bộ phận doanh nghiệp chỉ quan tâm đến giá trị tăng trưởng kinh tế, chưa thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân. Một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội…

Cần những giải pháp đồng bộ

CNH, HĐH là một nhiệm vụ rất quan trọng. Thời gian tới, việc thành lập mới các KCN, KCX là tất yếu khách quan, song cần chú trọng đến vấn đề bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. Do đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân KCN, KCX trong tình hình mới. Xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của doanh nhân và chính bản thân người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thuận, trách nhiệm xã hội trong công tác bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trong truyền bá các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại đến với người lao động; ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân.

Hai là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong tổ chức, thực hiện các mục tiêu về cơ chế, chính sách xây dựng môi trường văn hóa ở các KCN. Các cơ quan chức năng ban hành các chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; xây dựng chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong xây dựng môi trường, đời sống văn hóa tại các KCN. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Ba là, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thuê nhà, xây dựng nhà ở cho những người thu nhập thấp; xây dựng hệ thống mạng lưới nhà trẻ, mẫu giáo chất lượng dành cho công nhân; cải cách chính sách tiền lương…; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách xã hội dành cho công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ để hỗ trợ họ trong việc chăm sóc gia đình, con cái, bản thân, đồng thời có thời gian tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; xây dựng cơ sở y tế phục vụ việc khám, chữa bệnh cho công nhân, chú trọng sức khỏe nữ công nhân. Thường xuyên rà soát, đánh giá, kiểm tra và chỉnh sửa bổ sung kịp thời để các chính sách ban hành phù hợp và đáp ứng đúng mục tiêu, nguyện vọng chính đáng của người lao động.

Bốn là, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thúc đẩy doanh nghiệp làm tốt hơn trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. Tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, KCN cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động thuyết phục đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng môi trường văn hóa KCN, vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để người lao động tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí…

Năm là, đề cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; xác định đầu tư cho văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động là đầu tư cho phát triển của doanh nghiệp; tạo điều kiện để họ được thụ hưởng các giá trị văn hóa tương đương với sức lao động đã bỏ ra. Cải thiện mức lương, thưởng, bố trí ngân sách cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của công nhân. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa đã có, doanh nghiệp cần tích cực tham gia đóng góp nguồn lực để xây dựng, bổ sung các thiết chế văn hóa mới phục vụ công nhân lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, qua đó gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Lê Văn Lân
Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng – 29/10/2023

Link bài viết: https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/nang-cao-doi-song-nguoi-lao-dong-tai-cac-khu-cong-nghiep-19950